Ò e Rô-be đánh đu
“Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi” là bài hát ba láp ba xàm hồi nhỏ mình vẫn thường nghe đám bạn hàng xóm hát. Và dĩ nhiên đôi khi trốn mẹ không ngủ trưa là mình cũng tuôn ra xóm vừa chạy vừa rống "ò e ... ".
Về sau khi được coi phim Vũ điệu trong bóng mờ mình lại được nghe giai điệu "ò e ... " này qua bản valse giã từ giữa Roy (Robert Taylor) và Myra (Vivien Leigh) cùng câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt của hai người. Phim Vũ điệu trong bóng mờ được làm năm 1940 với tựa tiếng Mỹ là The Waterloo Bridge chuyển sang tên Pháp là La Valse dans l’Ombre. Tựa phim Waterloo Bridge nghe vô duyên, không gợi lên trong tâm ý khán giả một hình ảnh lãng mạn nào. Đến lúc đó mình mới biết thì ra bài hát ba xí ba tú của tụi mình lại dựa theo giai điệu của bản nhạc Auld Lang Syne lừng danh thế giới có xuất xứ từ xứ sở Tô Cách Lan (Scotland).
Auld Lang Sine là tiếng Tô Cách Lan xưa, có nghĩa tiếng Anh là “old long since” hay “long long ago” hoặc “in the days gone by”, nghĩa là lâu lắm rồi, ngày xửa ngày xưa … Đây là một bài thơ phổ nhạc theo âm điệu dân ca truyền thống của xứ Tô Cách Lan do thi hào kiêm nhạc sĩ tài danh Robert Burns ghi lại từ tiếng hát của một cụ già vào năm 1788.
Auld Lang Syne là một ca khúc về tình bè bạn, về những người đã đến, đã đi qua đời mình và để lại những kỷ niệm. Đó là lời tiễn biệt năm cũ với bao điều nhớ mong dang dở và lời chào đón năm mới với bao kỳ vọng trông chờ. Những cảm xúc bồi hồi và hân hoan đan xen đã khiến Auld Lang Syne trở thành ca khúc bất tử của đêm Giao thừa, trở thành một phong tục truyền thống ở Tô Cách Lan. Rồi cùng với những bước chân di cư của người Tô Cách Lan, Auld Lang Syne được phổ biến khắp nơi trên thế giới.
ảnh internet
Khi qua tới Mỹ, Auld Lang Syne được nhạc trưởng Guy Lombardo chọn biểu diễn ngay khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm giao thừa dương lịch. Suốt từ năm 1929 cho đến nay, hàng năm tại xứ Cờ hoa, cứ vào độ cuối tháng 12 dương lịch, khoảng sau Noel là lại thường được nghe bản nhạc Auld Lang Syne phát ra ở các trung tâm mua sắm, tiệm ăn, tiệm Café ... Rồi vào nửa đêm giao thừa, tại quảng trường Times Square thành phố New York, khi trái cầu pha lê trượt xuống và khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm, thời điểm một năm cũ qua, một năm mới đến, hàng ngàn người từ khắp nơi dồn về đây, đứng sát bên nhau, tay trong tay cùng ca vang khúc ca giao thừa nổi tiếng nhất mọi thời đại - Auld Lang Syne.
Với những ca từ đầy hoài niệm, hồi tưởng Auld Lang Syne cũng được sử dụng như một lời chia tay trong các sự kiện đánh dấu sự kết thúc như tang ma, lễ tốt nghiệp, cuối một buổi tiệc hay một chương trình ca nhạc ... hoặc là một cái kết đẹp trong điện ảnh.
Auld Lang Syne có tên tiếng Pháp là Ce n’est qu’un au Revoir (hoặc Chant des Adieux), có nghĩa là Bài ca Tạm biệt, theo chân người Pháp vào Việt Nam và thường được hát khi chia tay nhau sau các buổi sinh hoạt cộng đồng, hướng đạo, đặc biệt là xuất hiện trong các buổi tiệc giao thừa dương lịch.
Ngày xưa, trước 1975 ở miền Nam, khi kết thúc một buổi tiệc, buổi họp mặt bạn bè tại gia hay một chương trình ca nhạc hay cải lương trong rạp, thì máy Cassette hoặc giàn Akai băng cối hay ban nhạc lại phát ra giai điệu Auld Lang Syne và mọi người cùng hát hai câu được viết sang lời Việt "Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến. Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau ... "
Rồi không biết vì sao khi giai điệu này vô tai và ra khỏi miệng đám nhóc tì tụi mình thì lại thành "Ò e Rô be đánh đu Tặc đang nhảy dù Zô rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây thằng Tây hết hồn thằn lằn cụt đuôi!" hoặc ba trợn hơn nữa là “Tò te ma le đánh đu, thằng cu nhảy dù, bà già bắn súng. Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn, thằn lằn cụt đuôi.” Một "bài hát" mà từ đầu tới cuối không có ý nghĩa gì sất, câu kết còn vô duyên ộn, khi không cái "thằn lằn cụt đuôi!" Rứa mà nó lại là câu hát cửa miệng quen thuộc của nhiều thế hệ con nít miền Nam trước 1975.
Sau năm 75, khi kết thúc một buổi họp đội hay đoàn, bế giảng niên học hay bế mạc chương trình ca nhạc hay đại nhạc hội gì đó thì mọi người lại được hướng dẫn hát "Như có Bác Hồ ....". Mình rất lấy làm khó hiểu khi tìm hoài không thấy một sự liên hệ nào giữa Bác và sự kết thúc, chia tay cả.
Rồi đến khi ban nhạc Thuỵ Điển Abba cho ra lò bản nhạc Happy New Year thì mỗi cuối năm dương lịch người ta lại hát "No more champagne ..."
Còn mình thì chỉ mong ước vô cùng được một lần lại nghe con nít hát Rô be đánh đu, thằn lằn cụt đuôi ... để được trở về cái thời hoa bướm ngày xưa, ngây thơ vụng dại với những kỷ niệm trìu mến cùng đám bạn đồng trang lứa của một thời miền nam Việt Nam tự do mà nay đã quá xa ... xa lắm...
tpt
Comments
Cỏ làm tui nhớ cái xóm nhỏ của mình