NGÀN NĂM ÁO MŨ

Ngàn năm áo mũ là một nghiên cứu công phu của tác giả Trần Quang Đức: dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý, Trần, Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn (1009-1945) với 3 loại hình trang phục chính: Cung đình, quân đội và dân gian. Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều thay đổi qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v.. Trong khi đó trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. 

Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.  Có thể nói, Ngàn năm áo mũ bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.

Nhìn chung đây không chỉ là một tác phẩm, mà còn là một công trình khoa học xã hội nghiêm túc, tỉ mẩn, nghiên cứu và tìm tòi tư liệu bài bản. Hệ thống lại các thông tin áo mũ trong khoảng 1 ngàn năm lịch sử Việt Nam. Thông qua kiến thức trang phục chúng ta được liên hệ rất nhiều sử liệu và thông tin khách quan về lịch sử. Đặc biệt các chú thích đều rất chi tiết.

Cuốn sách thuộc dạng khảo cứu nên đọc khá lâu và phải nghiền ngẫm không nhanh vội được, đọc các tư liệu lịch sử kèm hình ảnh khiến ta hiểu được khá nhiều các từ Hán Việt thỉnh thoảng dùng mà không hiểu rõ gốc tích.

Dù đây là một công trình nghiên cứu nhưng khá dễ hiểu với độc giả bình thường, bởi Trần Quang Đức đã cố gắng làm mềm hoá những kiến thức khô khan, làm nhẹ nhàng những gì phức tạp, kèm theo đó là vô số hình ảnh minh họa. Tên sách cũng giàu chất thơ, mở ra chiều sâu của không gian văn hóa, được bắt nguồn từ câu thơ cổ: “Áo mũ ngàn năm thành cỏ rác”.



Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận