Số phận những dân tộc từng xâm lăng Trung Quốc xưa -- Lại Nhật Quang -

đọc cho biết

Lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Trung Nguyên, đã hứng chịu nhiều cuộc xâm lăng của các dân tộc du mục phương Bắc và một số tộc người phía Tây Nam. Đất đai các dân tộc phần lớn lạnh lẽo, khô cằn, không thể canh tác hay sinh sống được, nên họ luôn nhắm đến vùng đồng bằng Hoa Hạ màu mỡ, ấm áp hơn. Bằng một cách kỳ diệu nào đó, mà phần lớn những dân tộc này ngày nay đã vĩnh viễn faded trên bản đồ thế giới, họ hòa huyết cùng với người Hán, cải tục theo văn hóa, chữ viết của người Hán, và không còn giữ được văn hóa, bản sắc của dân tộc mình.

Người Tiên Ty
Người Tiên Ty xuất hiện trong giai đoạn Ngũ Hồ Loạn Hoa ( thế kỷ 4, thế kỷ 5) bao gồm 4 thị tộc lớn nhất là Đoàn bộ, Vũ Văn bộ, Mộ Dung bộ và Thác Bạt bộ. Nguồn gốc của người Tiên Ty vốn sinh sống ở thảo nguyên Mông Cổ, lợi dụng sự suy yếu của nhà Tấn, sau loạn Bát Vương, họ cùng với 4 tộc Hồ khác tràn xuống phương Nam, gọi chung là Ngũ Hồ. Trong 5 tộc này, tộc Tiên Ty có phần hùng mạnh hơn cả.
Họ Mộ Dung kiến lập nên các vương quốc Yên, nhưng sớm suy yếu vì đấu đá nội tộc và bị họ Thác Bạt tiêu diệt trong trận Tham Hợp Pha năm 385. Sau trận chiến này, tộc Thác Bạt kiến lập vương triều Bắc Ngụy trong hơn 100 năm. Đến khoảng giữa thế kỷ 5, các vị vua này có xu hướng đẩy mạnh Hán hóa, xóa bỏ chữ viết và các tập tục của người Tiên Ty. Điều này, dẫn đến sự bất mãn của tầng lớp quý tộc Tiên Ty, và họ bộc phát thành loạn Lục Trấn, trực tiếp đưa nhà Bắc Ngụy tới chỗ diệt vong.
Đại diện họ Vũ Văn là Vũ Văn Thái, đưa quân về Quan Trung lập ra nhà Tây Ngụy, lại đẩy mạnh Hồ Hán liên hợp đoàn kết chống lại Cao Hoan ở Đông Ngụy. Kết quả là, người Tiên Ty đã hòa huyết lẫn vào người Hán.
Một nhóm thiểu số họ Mộ Dung di cư về phía Tây lập ra nhà nước Thổ Dục Hồn, thuộc khu vực tỉnh Cam Túc, Thanh Hải ngày nay. Thổ Dục Hồn tồn tại đến thế kỷ thứ 7 thì bị Thổ Phồn tiêu diệt. Thổ Phồn sau đó đã được sáp nhập vào Trung Quốc dưới thời Nguyên 

Người Đột Quyết
Đột Quyết là một sắc tộc thuộc nhóm Turk do họ A Sử Na lãnh đạo, người Đột Quyết ban đầu chịu sự cai trị của người Nhu Nhiên nhưng dần dần mạnh lên khoảng thế kỷ 5, thì nổi dậy tiêu diệt người Nhu Nhiên. Đột Quyết từng nhiều lần tấn công vùng biên cương phía tây bắc của nhà Tùy, nhà Đường, nhưng đã đại bại nhiều lần, thảm hại nhất dưới thời Đường Thái Tông- Lý Thế Dân.
Điểm yếu trong cấu tạo nhà nước của Hãn Quốc Đột Quyết đó là sự liên minh lỏng lẻo giữa các bộ lạc du mục và có thể tan vỡ bất cứ lúc nào, nếu giữa các bộ lạc có tranh chấp về quyền lợi. Lợi dụng điểm này, nhà Tùy và nhà Đường sử dụng nhiều thủ đoạn ly gián, kích động, dẫn đến sự phân liệt của Hãn quốc Đột Quyết là Tây Đột Quyết và Đông Đột Quyết rồi sụp đổ vào thế kỷ 8.
Hậu duệ của người Đột Quyết, là người Uyghur Duy Ngô Nhĩ, từng thành lập đất nước Hồi Cốt, cũng có những xung đột với nhà Đường. Quân Hồi Cốt từng trợ giúp Quách Tử Nghi dẹp loạn An – Sử. Hồi Cốt tồn tại đến khoảng thế kỷ 9 thì bị Kyrgyz xâm lược tiêu diệt, các bộ tộc Duy Ngô Nhĩ tản mát khắp nơi, hòa lẫn vào người Hán và người Khiết Đan. Ngày nay, người Duy Ngô Nhĩ là một sắc dân chủ yếu ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Họ vẫn luôn muốn ly khai thành lập nhà nước riêng nhưng chưa bao giờ thành công.

Người Khiết Đan
Người Khiết Đan, là hậu duệ của người Tiên Ty, sinh sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. những năm thời kỳ Đường mạt và Ngũ Đại Thập Quốc, người Khiết Đan dần lớn mạnh và kiến quốc Liêu, thông qua Thạch Kính Đường, chiếm luôn 16 châu Yên Vân, vốn là vùng cung cấp ngựa chủ yếu cho các triều đại Tùy Đường trước đây.
Nhà Liêu mạnh lên khi Triệu Khuông Dẫn thống nhất các quốc gia phía nam, lập ra nhà Tống. Tống Thái Tổ và Tống Thái Tông nhiều lần tổ chức bắc phạt những đều bị Liêu đánh cho tan tác. Liêu cũng nhiều lần đem quân tấn công Tống nhưng hai bên đều ở thế giằng co, cuối cùng Liêu ký với Tống hòa ước Thiền Uyên, duy trì cục diện hòa bình hơn 100 năm cho đến khi bị người Nữ Chân tiêu diệt. Một bộ phận thiểu số người Khiết Đan đứng đầu là Gia Luật Đại Thạch di cư về phía Trung Á, lập ra nhà nước Tây Liêu, tồn tại 93 năm thì bị Thành Cát Tư Hãn tiêu diệt, số còn lại bị đồng hóa vào người Nữ Chân và người Hán.

Người Nữ Chân
Người Nữ Chân là một sắc dân nhóm Tungus sinh sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, các tỉnh Liêu Ninh, Hắc Long Giang ngày nay. Họ cùng sắc tộc với nhóm người Mạt Hạt từng lập ra nhà nước Bột Hải. Người Nữ Chân luôn phải chịu sự áp bức, kìm kẹp của người Khiết Đan, nên đến thế kỷ 12, thủ lĩnh tộc Nữ Chân là Hoàn Nhan A Cốt Đả, đã nổi dậy tiêu diệt nhà Liêu và đánh đuổi người Khiết Đan, sau đó Hoàn Nhan A Cốt Đả lập ra triều đại nhà Kim, ở phương bắc, tiến quân xuống phía nam tiêu diệt nhà Bắc Tống, gây ra cái gọi là nỗi nhục Tĩnh Khang lớn nhất trong lịch sử.
Nhà Kim sau gần 100 năm tồn tại thì cũng chịu chung số phận như những nước láng giềng, bị Mông Cổ tiêu diệt, các bộ lạc Nữ Chân lại tan rã tản mác. Đến thế kỷ 17, các bộ lạc này lại được thống nhất bởi Nỗ Nhĩ Cáp Xích và bỏ tên Nữ Chân, đổi thành Mãn Châu, người Mãn vượt qua Sơn Hải Quan, tiêu diệt nhà Minh, kiến lập nhà Thanh. Các vua nhà Thanh sau này đã tiếp thu văn hóa Hán, dần dần bỏ chữ viết và các phong tục của người Mãn, kết quả là như hiện tại người Mãn gần như đã bị đồng hóa vào người Hán, không còn tồn tại chữ viết và phong tục riêng nữa.

Người Mông Cổ
Việc tiêu diệt nhà Tống của Hốt Tất Liệt, về diễn biến có lẽ quá nhiều người rõ nên mình không đề cập nhiều. Điều đáng nói là câu chuyện sau đó xảy ra, người Mông Cổ rút về thảo nguyên và lại tan rã thành nhiều bộ lạc, các bộ lạc này đánh giết lẫn nhau. Cục diện đó kéo dài cho đến khi nhà Thanh xuất hiện, thôn tính nhiều bộ lạc xâm chiếm luôn Mông Cổ. Mặc dù ngày nay dưới sự trợ giúp của Liên Xô, người Mông Cổ cũng kiến lập được một quốc gia cho riêng mình, nhưng dần dà nhiều người Mông đã kết hôn với người Hán dẫn đến sự đồng hóa lớn, và quan trọng nhất là lãnh thổ Nội Mông, một khu vực chứa đựng các di tích lịch sử quan trọng từ thời Nguyên, đã vĩnh viễn nằm lại đất Trung Quốc.

Người Tạng
Người Tạng là chủ nhân của nước Thổ Phồn, một quốc gia hưng thịnh ở khu vực dãy Himalaya, vào thế kỷ 7. Thổ Phồn từng nhiều lần xâm lấn và gây chiến với nhà Đường tại khu vực Tứ Xuyên, Thiểm Tây. Trải qua gần 2 thế kỷ phát triển, Thổ Phồn bị phân rã thành nhiều tiểu quốc người Tạng đánh giết lẫn nhau. Đến thời kỳ nhà Bắc Tống, một số tiểu quốc người Tạng cũng tấn công gây hấn ở biên giới phía Tây nhưng không đáng kể. Cục diện nội chiến này kéo dài cho đến khi người Mông Cổ kéo vào Tây Tạng và sau đó là nhà Thanh xâm chiếm. Cho đến hiện nay, Tây Tạng vẫn là một lãnh thổ thuộc Trung Quốc, và người Tạng trở thành một dân tộc thiểu số.

Người Đảng Hạng
Người Đảng Hạng là hậu duệ của Thác Bạt bộ Tiên Ty, nên có thể nói họ có thể có quan hệ huyết thống với các quân chủ Thác Bạt nhà Bắc Ngụy. Người Đảng Hạng bắt đầu nổi lên ở khu vực phía tây, và lập quốc Tây Hạ, tại khu tự trị Hồi Ninh Hạ thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay khoảng thế kỷ 11. Tây Hạ nhiều lần đánh bại Tống, cạnh tranh ảnh hưởng với Liêu. Họ tạo ra kiến trúc và văn tự riêng. Bằng những chính sách khôn ngoan, Tây Hạ gần những đứng vững trong các biến động khu vực khi Liêu bị Kim tiêu diệt, Tống bị mất lãnh thổ miền bắc, liên tục bị Kim bức hiếp. Tuy nhiên, khi người Mông Cổ tiến xuống thì Tây Hạ cũng không thoát khỏi cảnh chịu chung số phận của những nước kia. Sau khi Tây Hạ bị tiêu diệt, thì người Đảng Hạng cũng bị đồng hóa lẫn với người Mông Cổ và sau đó là người Hán rồi biến mất khỏi lịch sử.

Người Bạch - Di
Người Bạch Di là chủ nhân của vương quốc Nam Chiếu và vương quốc kế tục Nam Chiếu là Đại Lý. Người Bạch Di lập quốc Nam Chiếu vào năm 738 trên cơ sở thống nhất liên minh của 6 tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tai- Kadai. Lãnh thổ của Nam Chiếu, chủ yếu ở khu vực hai tỉnh Vân Nam- Quý Châu và một phần tỉnh Tứ Xuyên hiện nay.
Nam Chiếu, lợi dung sự suy yếu của nhà Đường sau loạn An- Sử, nhiều lần đem quân tấn công, và tấn công Giao Chỉ, lúc đó đang chịu sự đô hộ cua nhà Đường. Thành quả lớn nhất là vào năm 829, Nam Chiếu đã tiến công và chiếm được Thành Đô, một trọng trấn của nhà Đường ở phía tây.
Nam Chiếu trải qua một thời gian phát triển thì suy yếu và sụp đổ vào năm 902. Tiếp theo đó, là một giai đoạn lịch sử đầy biến động, cho đến khi Đoàn Tư Bình tiêu diệt các thế lực đối lập và kiến quốc Đại Lý vào năm 937, tuy nhiên phong độ hùng mạnh của Nam Chiếu thuở xưa thì không bao giờ còn. Đại Lý là một nước ở miền biên cảnh, gần như đứng ngoài các cuộc biến động của Trung Nguyên, chủ yếu chỉ giao thương buôn bán trà ngựa với nhà Tống. Đại Lý tồn tại đến năm 1253 thì bị Hốt Tất Liệt tiêu diệt, chịu chung số phận với Kim và Tây Hạ, Thổ Phồn và sau đó là Tống. Về sau các hậu duệ của Đoàn Thị Đại Lý rất trung thành với Mông Cổ ngay cả khi nhà Nguyên đã bị đánh đuổi khỏi Trung Thổ, họ không chịu phục tùng nhà Minh và bị Chu Nguyên Chương cho quân vào đàn áp rồi giao vùng này cho thuộc tướng Mộc Anh và con cháu đời đời cai quản. Người Bạch, người Di đã trở thành dân tộc thiểu số ở Trung Quốc từ đó.

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận