tâm hồn cao thượng




Tâm Hồn Cao Thượng do dịch giả Hà Mai Anh dịch từ bản Pháp ngữ “GRANDS COEURS ”. Nguyên tác là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ý Edmondo De Amicis.  Từ tác phẩm Cuore của Edmondo De Amicis (1846-1908) ấn hành năm 1886, tác phẩm được nhà văn A. Pazzi chuyển sang Pháp ngữ thành Les Grand Coeurs, và Hà Mai Anh  dựa vào bản Pháp ngữ này để chuyển ngữ thành Tâm Hồn Cao Thượng. 

Tâm-hồn cao-thượng là những thiên ký-sự của một học-sinh tiểu học 11 tuổi - Enrico Bottini (là An Di trong bản dịch của Hà Mai Anh) - mô-tả những thầy hay bạn tốt, ghi-chép những lời cha, mẹ khuyên-răn, những tiểu-truyện nghe trong lớp, những cuộc thăm các Viện Dục Anh, trường khiếm thính, những ngày hội, những cuộc đi chơi, vân-vân. 

Tâm Hồn Cao Thượng gồm 60 tiểu mục là câu chuyện dẫn dắt từ một Ngày khai trường tại thành Torino, Tây Bắc nước Ý đến chương Trang cuối cùng của mẹ tôi. Từng mẩu chuyện ngắn đã ghi lại trong lớp học biết bao vui buồn, những nghịch ngợm, an ủi, chia sẻ cho nhau là tất cả những hình ảnh của tuổi học trò mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua như An Di. Đó chính là cảm tưởng và tâm tình của một cậu bé học lớp Ba với bậc sinh thành, với thầy cô và cả bạn bè, lời thầy cô, cha mẹ nhắn nhủ, khuyên bảo từng cử chỉ, hành động nhỏ nhặt trong nhà, trong lớp đến ý thức và trách nhiệm người con, dù còn nhỏ, với Tổ quốc.

Ngày đó dù bóng đen chiến tranh bao trùm đất nước, nhưng thế hệ chúng mình đã có một tuổi thơ rất ngọt ngào, nhân ái. Mình nghĩ các thế hệ đã đi học trước 1975 tại miền Nam, sẽ không thể nào quên những câu chuyện thấm đẫm lòng nhân ái và cao thượng, những lời người cha, người thầy ân cần nhắc nhủ đứa con: "An Di con ơi..." trong Tâm hồn cao thượng qua bản dịch của dịch giả Hà Mai Anh, một trong những cuốn sách mà thầy cô khuyến khích đọc từ thời tiểu học và có trích giảng trong sách giáo khoa. Còn ngày nay ai sẽ dạy con chúng ta tâm hồn cao thượng?

Với mình Tâm hồn cao thượng của dịch giả Hà Mai Anh là bản tiếng Việt "kinh điển", khó thay thế dù sau này có thêm nhiều bản dịch khác. Sau 1975, NXB Thanh Niên từng tái bản dịch Tâm hồn cao thượng của Hà Mai Anh và đã tuỳ tiện sửa đổi câu từ một cách vô lối, cẩu thả dù vẫn đề tên dịch giả Hà Mai Anh  (có lẽ để cho phù hợp với cách dùng từ và văn phong kiểu ngoài Bắc?) 

Dịch giả Hà Mai Anh (1905-1975) còn có bút hiệu là Mai Tuyết và Như Sơn. Ông là một thầy giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh trong thập niên từ những năm 40 đến 60 của thế kỷ trước. Quê ở Thái Bình, đậu bằng Cao đẳng Tiểu học và tốt nghiệp trường Sư phạm, ông từng làm giáo học và hiệu trưởng ở các tỉnh ở Bắc kỳ, đồng thời đóng góp nhiều bài vở cho các báo đương thời. Năm 1954, ông vào sống miền Nam. Sự nghiệp văn học của ông chủ yếu là biên soạn sách giáo khoa và biên dịch các tác phẩm mang tính cách giáo dục. Những tác phẩm nước ngoài được ông biên dịch đều có nội dung hướng thượng, mang tính giáo dục như Vô Gia Đình, Trong Gia Đình, Về Với Gia Đình của Hector Malot; 80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới, Thuyền Trưởng 15 Tuổi, 20 ngàn dặm dưới đáy biển, Du hành vào lòng địa cầu của Jules Verne; Gulliver Du Ký của Jonathan Swift; Em Bé Bơ Vơ (David Copperfield) của Charles Dickens, Chuyện Trẻ Em của Charles Perrault…, trong số đó nổi tiếng nhất là quyển Tâm Hồn Cao Thượng (Cuore) của Edmondo De Amicis; bản dịch của ông đoạt giải thưởng Văn chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội vào năm 1943. Bấy giờ, Tâm Hồn Cao Thượng được xem như một dạng Luân lý giáo khoa thư cho học sinh của thế kỷ XX, và trở thành sách hay cho nhiều thế hệ thiếu niên Việt Nam trong suốt nhiều thập niên.

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận