Chuyến đi định mệnh tới thiên đường tị nạn

Hồi đó nhà tui ở cuối đường Nguyễn Đình Chiểu, tên cũ là Phan Đình Phùng, trong chung cư của gia đình quân nhân, đa số thuộc tiểu đoàn 50, Sư đoàn 5 Bộ Binh.  Vùng này bây giờ giải tán rồi, là Bến xe Hòang Sa bây giờ.  Nhà tui ở khu trong, có khoảng 6 căn nhà, toàn là sĩ quan cỡ Thiếu Tá trở lên.  Ba tui là Thiếu Tá thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Chiến Tranh Chính Trị nên đi học tập dài hạn.  Nhà Đỗ LệnhTùng ở ngay đầu ngõ của cư xá.  Ba Tùng là Đại Úy Phóng Sự, ông từng xông pha nhiều chiến trường và chụp được rất nhiều bức ảnh sống động.  Tui quen Tùng vì hai đứa ở cùng xóm và học cùng trường Trần Văn Ơn (xưa là Tự Đức) những năm 1976 - 1980.  Ba Tùng cũng đi cải tạo và Tùng là con số 2 trong một gia đình có tới 7, 8 anh chị em.

Lúc hồi lớp 9, hai đứa tụi tui học chung để thi chuyển cấp vô Trưng Vương.  Tùng chơi đá banh dữ lắm và nhà thì lúc nào cũng ầm ĩ.  Tùng có 6, 7 đứa em nhỏ để trông coi mà.  Tui cũng không biết Tùng lấy thời gian đâu mà học nhưng khi thi vào Trưng Vương thì điểm Tùng cao hơn điểm tui và Tùng được xếp học lớp 10A1 trong khi tui vào lớp 10A2.


Lúc này gia đình tui cũng gặp đủ thứ chuyện hết.  Người ta nói, con cháu "ngụy quân, nguỵ quyền" thì không có hy vọng vô đại học và rồi có người hù là Cách Mạng sẽ lấy nhà của gia đình "ngụy".  Mẹ tui sợ rồi bỏ nhà trống rồi dọn ra đường Bùi Hữu Nghĩa khoảng giữa chợ Bà Chiểu và chợ Đa Kao. 

Tui và Tùng vẫn chơi thân những năm lớp 10, 11, rồi 12 mặc dù học khác lớp.  Tùng đá banh giỏi và chơi cho đội tuyển Trường Trưng Vương.  Tui cũng hay đi theo đội banh coi.  Lúc này hai đứa ở xa nhau nên tui cũng ít khi ghé nhà Tùng chơi.  Tui chỉ biết mẹ Tùng chạy bôn ba đủ thứ để lo lắng cho cả gia đình.  Tùng ít nói lắm, nhưng rất là thông minh.  Tui biết vậy vì Tùng đâu có thời gian mà học bài ở nhà nhưng điểm của Tùng lúc nào cũng cao.  


Năm tui học lớp 10, mẹ tui quyết định từ từ cho hết cả gia đình đi vượt biên.  Lần đầu tui đi, khoảng tháng 10 năm 80 gì đó, không có mặt ở lớp cả 3 tuần.  Khi trở về, mẹ tui phải chạy tiền kiếm giấy bác sĩ cho tui mang vào lớp.  Giấy bác sĩ nói là tui bị bịnh Giang Mai phải nằm nhà thương hết 2 tuần.  Cũng may là không ai thèm coi chi tiết nếu không thì lúc đó cũng lắm chuyện lên rồi.


Sang năm lớp 11 nhà trường chia lại lớp, xáo ra trộn lại các lớp với nhau.  Tui vào 11A4, lớp tui phá lắm, cứ bị đứng cột cờ không hết vì chuyện này hoặc chuyện nọ.  Có điều tui cũng không để ý nhiều lắm vì lúc này chuyện vượt biên ở nhà đã nghiêm trọng lắm rồi.  Mẹ tui bây giờ là một trong những người đứng đầu tổ chức,  anh lớn nhất của tui đã đi thóat.  Căn nhà ở Bùi Hữu Nghĩa cũng bán nốt, nhà tui dọn về ở với ông bà ngọai ở ngã ba Ông Tạ.  Sáng sớm tui dậy lúc 4 giờ, phụ làm rồi tắm rửa một chút, phóng xe đạp chạy một mạch về trường Trưng Vương đi học.  Đôi lúc tui quên rửa gội nên đầu tóc dính đầy bột trắng khi vào lớp.  Đi học về là tiếp tục làm tiếp đến khỏang 7-8 giờ đêm.  Tui cũng không siêng gì đâu, chỉ là vì bị bắt làm thôi.  Sau đó một thời gian dài thì làm việc cũng khá hơn trước.

Năm lên lớp 12, tự nhiên tui và Tùng lại gặp nhau nhiều hơn như những tháng trước lúc thi lên cấp 3.  Hai thằng lo đi học thêm chung với nhau rồi bàn bạc chuyện vào đại học.  Lúc này anh ruột tui đã đi thoát qua Mã Lai nhưng tự nhiên trong lòng tui lại trở ngược.  Tui lúc đó lại muốn ở lại Việt Nam, thi đậu đại học rồi làm cái gì cho đất nước.  Ngụy con hay không, đất nước mình hòa bình rồi còn đi đâu nữa.  Hai thằng nói chuyện với nhau rồi bảo như vậy.  Tùng và tui thi vào Báck Khoa, Tùng đậu 21.5 còn tui rớt 18 điểm.  Được tin thi rớt, tui như ngươi điên vì lúc nào tui cũng cho là mình giỏi lắm.  Lúc làm bài thi, tụi chọn bài Toán hệ 12 mặc dù Tùng khuyên tui chọn hệ 10.  Tui làm bài không xong kịp giờ và kết quả là bị rớt.  Thi rớt, tui không biết gì khác hơn.  Vẫn đi làm thêm phụ gia đình, trong lòng vẫn muốn thi lại một lần nữa. 

Lúc này mẹ tui tổ chức một chuyến lớn và đưa Bảo (em ruột tui) và tui cùng đi.  Chuyến đi xuống Mỹ Tho này, Bảo đi thoát còn tui bị bắt vào tù khoàng 7 tháng.  Khi ra tù, thì bao nhiêu ý chí lúc trước tui mất hết.  Tui nghĩ số phận mình chắc xong rồi.  Học thì không được gì mà đi vượt biên cũng không xong nên chán đời lắm.

Khoảng cuối 1984 gì đó, tui đi kiếm Tùng vài lần tâm sự.  Tùng học cũng khá trong trường Báck Khoa nhưng lúc này Tùng nói với tui muốn đi vượt biên.  Tùng Là con trai đầu Tùng  muốn làm cái gì để giúp đỡ nhà.  Tui nghe được bỏ tai này qua tai kia rồi cũng để đó, không nói gì.  
Mấy tháng sau, chuyện vượt biên lại sôi sục lên.  Lúc này mẹ tui bận lắm, bà tổ chức từ trước đến nay cũng mười mấy chuyến gì đó.  Chỉ có số tui xui xẻo nên bị bắt thôi.  Mẹ tui đánh một chuyến lớn.  Lần này tui,  khá nhiều anh em họ hàng cùng với Thoa, em gái tui cùng đi.   Lúc này tui chán đời lắm nên ai bảo tui làm gì thì tui làm đó, không suy nghĩ gì hết.  Có điều tự nhiên tui nhớ ra là Tùng muốn đi vượt biên nên tui bảo nó đi thế chỗ cho tui.  Tui nói cho nó biết hết mọi chuyện để sửa sọan.  Tùng viết một lá thư để lại cho gia đình rồi lẳng lặng ra đi.

Tui và Tùng ra đến bãi đậu, rồi 2 đứa dẫn từng toán nhỏ lên tàu lớn.  Và trong cái đêm không trăng đó, Tùng và tui dẫn khoảng hơn 100 người lên chiếc tàu bé nhỏ cặp bến cảng Sàigon.  Khi gặp em Thoa tui từ xe xuống, nó khóc ré lên nói là phần lớn gia đình bị kẹt lại, chỉ có Thoa và Thanh, cô em họ tui là lên tới bãi thôi.  Lúc đó tui đứng chết lặng.  Tui đã tính ở lại, để Tùng thay thế cho tui.  Nhưng bây giờ, không thể được, em tui 12 tuổi lên tàu một mình.  Tui quyết đinh nhanh lắm, tui bảo Tùng, 2 đứa mình cùng nhảy lên tàu với Thoa và Thanh.  Và chính là như vậy, đêm hôm 23 tháng 9 1985 định mệnh đó, Tùng và tui giã từ đất nước bỏ lại bao nhiêu mơ ước, bạn bè, và gia đình ...

Lên tàu rồi thì chủ tàu bắt mọi người xuống hầm hết rồi đóng kín mít.  Qua tới sáng hôm sau thì tui mới biết là phe mình bị kẹt lại gần hết.  Phe bên chủ tàu cũng nhận ra tui là bên phe tổ chức và là những người thiểu số trên tàu.  Tui cũng nhận ra tại sao ở bãi đậu không có ai chỉ huy hết.  Cái ông chủ bãi đậu vì sợ hãi nên đã chạy mất tiêu sau khi giao cho Tùng và tui hai đứa con, một cô gái khoảng 23 tuổi và đứa em trai 10 tuổi.  Tàu đông quá, không có chỗ mà ngồi nữa chứ đừng nói là nằm.  Hai cô em của tui ói mửa lung tung nhứt là bé Thoa.  Tui cũng khá mệt nhưng lúc này tự nhiên Tùng biến đi đâu mất.  Sau một lúc, thấy nó trở về cười cười rồi đưa nước và chút đồ ăn cho hai đứa em.  5, 6 ngày lênh đênh trên biển, Thoa em tui gần như không tỉnh được chút nào.  Nó ói hết từ mật xanh ra mật vàng.  Thanh thì đỡ hơn một chút nhưng cũng khá mệt.  Tùng chạy lên chạy xuống kiếm nước uống và đồ ăn cho tụi nó.  Tui thì không say sóng lắm lên lâu lâu cũng chạy lên khoang vì dưới hầm tàu ngộp lắm. 

Lúc này phe chủ tàu rất là bực mình nên tụi nó bàn mưu tính vất Tùng xuống biển.  Một phần là Tùng dám tự nhiên lấy đồ ăn thức uống của bên nó, phần thứ hai tụi nó biết Tùng là phe tổ chức thành thử muốn thủ tiêu để dấu chuyện chèn kháck.  Tui thì không biết ất giáp mô tê gì hết.  Bữa tối đó, tui đang nằm trên khoang tàu thì có hai thằng từ hai góc từ từ bò tới.  May mắn làm sao, Tùng phát giác ra được lên lớn tiếng gọi tui.  Mấy ngày trên biển, Tùng và tui hai thằng đầu  tóc quăn tít nên nhìn thấy giống hệt như nhau.  Một thằng nghe tiếng la phát hoảng nên bò ngược lại vì nó nhận ra sao lại có tới 2 thằng Tùng lận.  Tụi tui vì thay phiên nhau nên ít khi nào cùng ở một chỗ.  Sau lần này, tụi nó e dè nhiều hơn và bỏ cái ý định đó.  
Đến ngày thứ 4 thì tàu tìm được một giàn khoan Mã Lai và đòi cặp lên.  Sở dĩ tìm được vì từ xa đã nhìn thấy ngọn lửa cao ngất trời.  Trên giàn khoan nhứt đinh không cho lên.  Họ cho chút thực phẩm và nước rồi chỉ hướng cho đi.  Đến ngày thứ 6 thì tàu phát hiện một hòn đảo nhỏ phía nam.  Sau gần nửa ngày, tàu cặp bến hòn đảo có ngọn núi cao này Pulau Tioman, hòn đảo lớn cuối cùng gần Singapore.  Nếu tàu tui không phát hiện được hòn đảo này thì cũng khó nói lắm.  Nếu chạy thẳng theo hướng cũ thì phải 4-5 ngày nữa mới tới Palau Bangka hay Pulau Bellung gì đó.  Và nếu như vậy thì ít nhất cũng có một vài người không qua khỏi.  Trên tàu chẳng còn gì để uống, đồ ăn thì chỉ còn một chút.

Lên được Pulan Tioman thì mọi người mừng lắm.  Bọn tui lúc này có 6 người, Tùng, tui, 2 đứa em, 2 đứa con ông chủ bãi đậu.  Cũng quen thêm một số ít người nhưng không thân lắm.  2 hôm sau có tàu đưa đến trở bọn tui tới Pulao Bidong, một trung tâm trại tỵ nạn.  Đến đây tui mới biết là tàu được đánh số MB425.  Mã Lai đặt ký hiệu cho từng chiếc tàu đến nước họ.  Đầu tiên là KT khoảng 1000 chiếc, tới PT, rồi MB. Tính như vậy tàu tui là chiếc thứ 2425 đến Mã Lai.  Nghe nói sau này còn khoảng hơn 1000 chiếc tàu cặp bến Mã Lai.  Nhiều lúc tui nghĩ không biết có bao nhiêu chiếc tàu nằm xuống đáy biển?  

Từ xa trên chiếc tàu trở bọn tui vào Bidong, nhấp nhô những bóng người chạy ra chào đón. Nhiều người lắm, sau này tui mới biết, ngày nào ở Bidong hễ cứ thấy tàu vô là dân ở đây chạy ùa ra. Người thì lo kiếm bà con bạn bè, kẻ thì tò mò hỏi thăm tàu từ đâu tới, còn số lớn thì sẵn không chuyện gì làm ra coi cho vui. Tàu vô Bidong nhiều lắm. Gần như ngày nào cũng có một hoặc hai chiếc. Lúc đi vọ tui thấy mấy người trên đảo ai cũng bịt mũi hoặc tránh xa. Sau này thì mới hiểu là tụi tui lúc đó bốc mùi dữ lắm. Ở trên tàu gần bảy ngày ăn ngủ tiêu tiểu ói mửa cũng một chỗ mà. Có điều lúc trên biển thì đâu ai còn hơi sức nghĩ gì đâu. Vứa lên bờ thì họ cấp cho chút đồ ăn và quần áo. Những chiếc áo T-shirt đủ màu và quần xả lỏng cũ rích được tụi tui chiếu cố vồn vã. Ai mà mập mạp một chút thì tha hồ có đồ để chọn. Có điều những người tỵ nạn như tụi tui đa số là size extra small không thành thử kiếm đồ vừa cỡ hiếm lắm. Lấy quần áo xong, đi ra ngoài gặp hàng quán cà phê xập xình nhạc vàng coi thiệt bắt mắt. Những chiếc máy cassette kồng kềnh bự ngang cỡ người với đủ lọai nút bấm xanh đỏ nhỏ to hồi đó từ Việt nam có thấy bao giờ. Rồi hơn 10 năm nay mới được nghe nhạc vàng trước 75 thiệt là đã cái tai. Rồi đài BBC nói tiếng Việt ào ào nữa chứ. Hàng quán nào cũng đầy người ăn uống, nhấp nháp cà phê, tán dóc lung tung, hoặc phì phà điếu thuốc cán. Coi bộ ở đây giầu và vui hơn Sàigon nhiều ha. Tùng và tui hai đứa vui lắm. Hai thằng cứ chạy hết từ chỗ này qua góc nọ. Cái hòn đảo Bidong nhỏ chút xíu mà bọn tui cứ tưởng nó lớn hơn cả Sàigon.

Lên Bidong vui lắm.  Trên đây có cả mấy ngàn người Việt Nam lóc nhóc trên cái đảo nhỏ xíu.  Họ cấp cho bọn tụi tui cái nhà ở phía trên cao gần núi.  Ngày nào Tùng và tui cũng đi lãnh thực phẩm và gánh nước.  Rồi một hôm Tùng và tui đang chờ lấy thực phẩm thì nghe tiếng ai kêu oai óai.  Tui thì hơi chậm nhưng trong lòng cũng nghĩ tại sao cái này ầm ĩ giống loa phóng thanh 11A4 quá dzậy?  Tùng nhanh hơn, nó nhận ra Đoan Trang học chung lớp với tui.  Mấy đứa gặp nhau mừng quá rồi nói chuyện lung tung.  Trang kể cho tui nhiều lắm nhưng tui cũng quên hết rồi.  Tui chỉ nhớ hình như tàu Đoan Trang là MB423 gì đó, lên trước tui một ngày.  Tui nói Đoan Trang là tui sợ bà quá bỏ chạy ra khỏi nước mà cũng không thóat.  Không biết Đoan Trang còn nhớ không?  Rồi tui gặp lại Trang ở Cali hồi 1990 rồi bỏ chạy thêm một lần nữa haha.  Gặp Đoan Trang thì vui nhưng mà bả khóc nhiều hơn cười.  Mỗi lần như vậy, không biết Tùng nói gì rồi sau đó thấy Trang  cười tươi hơn. 

Đến được mấy bữa thì tui biết là có nhiều nước cử phái đoàn tới phỏng vấn người tỵ nạn. Những người có diện làm cho chính phủ hoặc quân đội miền Nam trước năm 75 thì chắc chắn được Mỹ phỏng vấn. Úc và Canada cũng nhận nhiều người lắm. Gần như nếu ai sống ở Sàigon thì chắc chắn sẽ được Úc hoặc Canada nhận.  Những nước khác như Đúc, Pháp, Anh thì dè dặt hơn. Nếu không có bà con thân thích hoặc biết tiếng nước họ thì rất là khó khăn. Rồi thiên hạ đồn đủ thứ chuyện. Người nói đi Úc là sướng nhất, qua đó nó cấp tiền trợ cấp mỗi tháng khỏi đi làm. Kẻ thì bảo Canada nó cho không một căn nhà bự lắm. Đa số thì nói Mỹ chắc chắn hơn. Qua đó có Foodxìtem ăn thả giàn, có điều Mỹ làm thủ tục lâu hơn.  Tùng và tui thì không chọn lựa gì hết, mình là gia đình quân nhân thì đi Mỹ thôi, khỏi phải điền đơn nước nào khác.  Lúc lên phỏng vấn có một ông Mỹ khoảng ba mươi mấy tuổi gì đó với một người thông dịch viên.  Có ai ngờ ổng hỏi tui thẳng bằng tiếng Việt ngọt lơ. Hóa ra là lúc trước ổng đi lính trong Nam nên biết tiếng Việt kha khá.  Xong phỏng vấn thì Tùng và tui hết chuyện để làm. Hai đứa chờ ngày tàu đưa ra trại chuyển tiếp Sungei Besi để lên đường đi Mỹ. Tùng nói tui là sang đến Mỹ là khỏe re rồi, đâu còn gì mà phải lo lắng nữa. Đúng là hai đứa ngây thơ mà. Ở trên đảo nhiều lúc cần tiền, Tùng và tui thay phiên nhay viết mấy lá thư gửi người thân bên Mỹ đòi đủ thứ . Nhiều lúc còn hăm he đe dọa nữa chứ. Nói là tại sao mấy người bên đó giàu có mà một trăm đô la cũng tiếc gửi qua trại tỵ nạn.   Chiều chiều thì hai thằng rủ nhau đi uống cà phê, nghe đánh đàn. Sang mà, tiền người thân từ Mỹ gửi qua để làm gì.  Sau này khi qua Mỹ đi làm rửa chén nhà hàng ba đồng rưỡi một giờ thì lúc đó muốn xin lỗi cũng muộn rồi.

Ngày nào cũng có tàu đưa người ra Sungei Besi hết. Mỗi lần tàu ra đi, phóng loa trên đảo lại hát bài “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu trắng lê thê..” Ở trên đảo khoảng hai ba tháng trở lên, ai mà có người yêu hoặc người thân ra đi trước thì nghe buồn hết biết.  Nhân chuyện mới nói nha, trên đảo dân số con trai gấp mười lần con gái nên mấy thằng choai choai tụi tui bày truyện tranh nhau tán gái.  Có điều tui thì không được mấy may mắn gì đâu.  Hôm đầu tiên gặp Đoan Trang rồi tới nhà bả chơi dù lúc đó chưa tình ý gì nhưng mà tui cũng tính từ từ để ý. Vừa bước dô cửa, thấy một chàng trai cỡ ba mươi tuổi vạm vỡ rắn chắc bước ra ném cho hai đứa tui cặp mắt Trương Phi làm tui rụng rời tay chân.  Cái thằng bé nhỏ tội nghiệp nó lặn sâu tuột tận vô trong làm tui tưởng mình phải đổi tên rồi chứ.  Thôi hoa mà có chủ thứ dữ rồi thì tui chịu, nhất định không nhào vô nữa ...

Cuối cùng thì cơ hội cũng đến với tui. Khoảng một tháng trước lúc lên Sungei Besi thì cô em họ tui gặp người quen. Em tui học lớp 11 năm đó rồi. Nó gặp một cô bạn khác lớp đi cùng gia đình. Hai đứa nói chuyện hồi lâu rồi quen thân nên hay đi lại với nhau lắm. Lần đầu gặp KL thì cũng không có gì. Nhưng lâu ngày thì quen thân nên mỗi lúc qua nhà, KL kêu tui anh Vũ ngọt xớt. Rồi có đôi lúc hình như cô nàng nhìn tui bằng cặp mắt long lanh đầy ý nghĩa. Hay là đầu óc tui bị truyền nhiễm bịnh yêu đương rồi nên nghĩ vậy. Tụi bạn tui còn bàn thêm là KL thích tui đó sao hổng chịu nhào vô. Chuyện chưa đâu tới đâu thì mấy hôm sau em họ tui và cả gia đình KL rời đảo trước đi Sungei Besi. Em họ tui là trẻ em vị thành niên nên đi trước.  Còn gia đinh KL thì tới trước bọn tui khoảng nửa tháng và cũng theo diện đi Mỹ.  Mọi người đi hết rồi thì tui mới cảm thấy buồn buồn.  Tui chợt nhớ đã mất đi giọng nói ngọt ngào mỗi buổi sáng khi KL ghé qua thăm nhà tui.  Rồi cặp mắt đen láy kia lâu lâu nhìn tui chăm chú. Rồi những tiếng gọi “nè anh Vũ” nghe bùi bùi làm sao. 

Những buổi chiều xế bóng bên bãi biển, nghe sóng vỗ dập dờn, nhắp nháp ly cà phê, ngắm trăng sao lấp lánh, rồi thưởng thức bài “Buồn ơi ta xin chào mi… Khi người yêu đã bỏ ta đi…” nghe thiệt là thấm thía.  Kể cũng buồn cười, hồi đó tui đã có người yêu gì đâu, chỉ có người tình trong mộng 11A4 thôi mà cũng bày đặt suy nghĩ mông lung “Buồn ơi ta xin chào mi… khi người yêu đã bỏ ta đi…” mà thiệt sự là tui ra đi mà không một lời từ giã mà… Lúc này tui mới hiểu ra là mình sớm đã biết si tình rồi.  Yêu thì chưa nói được câu nào nhưng khi xa rồi thì biết thương biết nhớ.  Chiều chiều Tùng và tui hai thằng không nói một lời nhìn sóng biển vỗ rạt rào mà lòng không biết đi về đâu.  Có ai biết hai chàng trai Trưng Vương năm xưa lúc này bên đảo Bidong đã biết yêu biết nhớ rồi không?  Xa xa phía bên kia cầu Jetty, Đoan Trang cũng vẫy tay vĩnh biệt ngưới bạn yêu dấu. Về sau này đôi lúc tui thấy Đoan Trang khóc nhiều lắm nhưng cũng không biết nói gì hơn. 

Về sau nếu có ai hỏi là nơi nào mà tui nhớ nhất trong đời thì tui nhất định sẽ trả lời liền mà không cần suy nghĩ – hòn đảo tỵ nạn Bidong. Với những người tỵ nạn đi tìm sự sống mong manh trong cái chết gần kề rõ ràng trước mắt thì chuyện đến được Bidong như là một phép lạ nhiệm màu như được sống lại.

Nguyễn T Phi Vũ 12A5
đã đăng trong Lưu bút 40 năm TV83

Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận