Người đi mở cõi

Trên con đường thiên lý Bắc Nam, giữa thị xã Đông Hà và thành cổ Quảng Trị có một trấn nhỏ bên bờ sông Thạch Hãn, đó chính là Ái Tử - thủ phủ khai nguyên của xứ Đàng Trong với vị Chúa đầu tiên của vương triều Nguyễn - Tiên Vương Nguyễn Hoàng. Từ những bước chân đầu tiên đặt xuống bãi cát trắng nắng chang chang của miền Ái Tử gần 5 thế kỷ trước, vị Tiên Vương triều Nguyễn đã viết nên trang sử đầu tiên trên hành trình mở cõi về phương Nam của Đại Việt cho hậu thế hôm nay có dãi đất cong hình chữ S chạy dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau như bài học vỡ lòng Địa lý mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã từng học ở bậc tiểu học.

tượng Tiên Vương Nguyễn Hoàng


Đoan Quận công Nguyễn Hoàng

Ông là con trai của An Thành Hầu Nguyễn Kim một trọng thần của triều đình nhà Hậu Lê, giữ chức Hữu vệ điện tiền tướng quân vào cuối thời Lê sơ.  

Năm 1527 sau khi phế truất vị vua cuối cùng của triều Lê là Lê Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung chính thức giành ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc.  An Thành Hầu Nguyễn Kim lúc đó đang giữ chức Hữu vệ Điện tiền tướng quân, đã rời kinh thành đến vùng đất Thuận Châu, phía Tây Thanh Hoa, giáp với Ai Lao (vùng Thanh Hóa- Nghệ An ngày nay), chiêu mộ binh lính chống lại vương triều Mạc Đăng Dung.  Ngài, cùng với các cựu thần nhà Lê đã tôn con trai của vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lên làm vua Lê Trang Tông, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa.  Đại Việt lúc bấy giờ bị chia đôi: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc triều. Từ Thanh Hóa trở vào là khu vực của nhà Lê hay gọi là Nam triều.

Sự nghiệp trung hưng nhà Lê đang thuận lợi thì theo Đại Việt sử ký tục biên ghi lại, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết năm Ất Tỵ - 1545, binh quyền về tay con rể là Trịnh Kiểm.

An Thành Hầu Nguyễn Kim có ba người con.  Người con gái lớn nhất của ông là Nguyễn Thị Ngọc Bảo gả cho Trịnh Kiểm sinh ra Trịnh Tùng.  Con trai trưởng Nguyễn Uông, con trai thứ Nguyễn Hoàng.   Khi ông bôn ba trong công cuộc trung hưng nhà Lê thì Nguyễn Hoàng mới 2 tuổi, được cậu ruột là Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nuôi dạy nên người.  Sau khi Nguyễn Kim qua đời, do lập công trạng trong việc trung hưng nhà Lê, Nguyễn Uông được vua Lê phong làm Tả Tướng quân Lãng Quận công, Nguyễn Hoàng được  tấn phong tước Đoan Quận công.  


Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân

Sau khi Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm được vua Lê phong làm Lượng quốc công, thay Nguyễn Kim nắm giữ binh quyền.  Trịnh Kiểm bắt đầu thực hiện ý đồ tước bỏ dần thế lực của họ Nguyễn để tập trung quyền hành vào tay họ Trịnh.  Vài năm sau,  Nguyễn Uông cũng chết không rõ ràng, nghi do Trịnh Kiểm hạ thủ.  Lúc bấy giờ Nguyễn Hoàng "nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ) giỏi nghề thuật số, nên ngầm cho người tới vấn kế. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". (Đại nam thực lục).  Ông liền nhờ chị là bà Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hóa.  Trịnh Kiểm chấp thuận và tâu vua Lê cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa với mục đích mượn tay quân Mạc tiêu diệt Nguyễn Hoàng vì đất Thuận Hoá lúc đó do quân tướng nhà Mạc đóng giữ.

(5 sao cho ôn Trịnh Kiểm khi thuận cho tằng tổ phụ 18 đợi của mình vô trấn thủ Thuận Hoá - là khoảnh đất từ đèo Ngang tới đèo Hải Vân)

Mang theo câu “sấm” của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1558 Đoan Quận công Nguyễn Hoàng và gia quyến cùng các danh thần, tướng lĩnh Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống, Lương Văn Chánh, Văn Nham, Thạch Xuyên, Tường Lộc, Thường Trung, Vũ Thì Trung, Vũ Thì An ... và hàng nghìn tráng đinh và cư dân miền Thanh Nghệ lên thuyền xuôi Nam vào trấn thủ Thuận Hoá. Đoàn quân Nam tiến dừng chân ở cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt) đóng trại ở Gò Phù Sa, Ái Tử, huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).  Đoan Quận công đã chọn nơi này để lập Thủ Phủ gọi là dinh Ái Tử.  Lưu Thủ Thuận Hóa Tống Phước Trị (quê ở Tống Sơn, Thanh Hóa) đã dâng nộp bản đồ, sổ sách trong xứ cho Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, và theo phò tá ông. 

Ái Tử chính là vùng đất họ Nguyễn bắt đầu khởi nghiệp và bành trướng ở xứ Đàng Trong. 


"Từ độ mang gươm đi mở cõi"(*):

Thiết lập nền độc lập và phát triển kinh tế

Từ ngày trấn thủ Thuận Hoá Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã thu phục hào kiệt, vỗ an dân chúng, giảm sưu hạ thuế và chăm lo phát triển kinh tế trong vùng nên dân chúng Thuận Hóa rất cảm mến tôn xưng ông là Chúa Tiên.  “Phủ biên tạp lục” của Lê Qúy Đôn đã viết về xứ Thuận Quảng dưới sự cai trị của Nguyễn Hoàng: “Đoan Quận Công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quan dân hai xứ thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp. Hàng năm nộp thuế mà giúp việc quân, việc nước, triều đình cũng được nhờ...”.

Nǎm 1570, Chúa được vua Lê giao trấn thủ luôn đất Quảng Nam với ấn Tổng trấn.  

Năm 1593, sau khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, Chúa lại đưa quân ra Bắc giúp chúa Trịnh dẹp trừ dư đảng họ Mạc, chấm dứt triều đại nhà Mạc sau 65 năm cai trị.

1960 Chúa dời dinh vào làng Trà Bát, phía đông dinh Ái tử gọi là Cát Dinh.  Nǎm 1601 Chúa cho xây dựng chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa lịch sử này đã có quan hệ mật thiết với quá trình phát triển đất Thuận Hoá và vương triều Nguyễn.  1602, Chúa cử con trai thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên vào làm Trấn nhậm Quảng Nam.

Dưới thời trị vì của Chúa Nguyễn Hoàng, vùng đất Thuận Quảng ngày càng thịnh vượng, nhân dân được an cư lạc nghiệp.  Chúa đã cho mở mang ngoại thương, hướng tầm nhìn ra biển,  thành lập Phố Nhật vào năm 1589 và Phố Khách vào khoảng năm 1608 tại Hội An khiến cảng thị Hội An phát triển trở thành thương cảng quốc tế lớn nhất Đông Nam Á thời đó.  Chỉ trong vòng mấy thập niên, Chúa đã xây dựng Đàng Trong trở nên một xứ giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được nền độc lập của mình đối với phía Bắc và mở rộng về phía Nam. 

Mở mang bờ cõi

Năm 1597, tri huyện Tuy Viễn Lương Văn Chánh (Tuy Viễn, vùng đất cực nam của Quảng Nam, thuộc phủ Hoài Nhơn ngày nay là Tuy Phước, Bình Định)  nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông (bắc Phú Yên) đến đèo Cả (bắc Khánh Hòa). Ông cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp; từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên vùng đất này.

Cũng trong giai đoạn này, Chúa cử hai gia tướng người Việt gốc Chăm - Vũ Thì An và Vũ Thì Trung ra biển chiếm hữu Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa và Trường Sa) khi đó chỉ là một vùng đất vô chủ.

Năm Tân Hợi 1611, quân Chiêm Thành vượt đèo Cù Mông xâm chiếm biên giới. Chúa cử tướng Văn Phong đem quân đánh đuổi và lấy đất từ đèo Cù Mông tới núi Thạch Bi lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân, giao cho Lương Văn Chánh làm tham tướng, Văn Phong làm lưu thủ (Phan Khoang, Việt Sử xứ Đàng Trong) mở đầu cho quá trình mở cõi về phương Nam ở Đàng Trong của các Chúa Nguyễn.  Lãnh thổ của các chúa Nguyễn lúc đó đã được kéo dài từ đèo Ngang  đến núi Thạch Bi. 

Từ trần:

Tháng 7 năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng lâm bệnh nặng, ông cho triệu thế tử Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về và căn dặn:

"Nếu Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phía nam. Đất Thuận Quảng này phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và Bi Sơn, thật là đất của người anh hùng dụng võ. Vậy con phải biết thương yêu dân, luyện tập binh sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em trước hết phải thương yêu nhau.  Con mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì.” 

Dặn dò xong Chúa băng, ở ngôi 56 năm, thọ 89 tuổi, Vua Gia Long đã truy tôn Người là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế.  Lăng mộ Người lúc đầu táng ở núi Thạch Hãn huyện Hải Lăng, Quảng Trị sau cải táng vào núi La Khê huyện Hương Trà (nay thuộc huyện Hương Thủy, Thừa Thiên).

------

Với hσn 200 năm tồn tại kể từ khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558) các thế lực phong kiến cát cứ và bản địa như Vưσng quốc Phù Nam, Vưσng quốc Chămpa hay Thuỷ Chân Lạp đều đã được quy về một mối.  Vương triều Nguyễn đã cai trị xứ Đàng Trong (1558-1776) và trị vì ngôi vua trên toàn cõi Việt Nam (1802-1945) non 4 thế kỷ với 9 đời chúa và 13 đời vua hoàn thành sứ mệnh nam tiến mở cõi từ Thuận Quảng đến tận Mũi Cà Mau.  

Ngày nay, hơn một nửa dân số sinh sống trên đất do các chúa Nguyễn khai phá.  Một kinh thành Huế vàng son, một phố cổ Hội An con cóc vàng của ngành du lịch, một đồng bằng sông Cửu Long trù phú ... tất cả đều mang dấu ấn của Vương triều Nguyễn.


Lúc xưa, ba mẹ vẫn luôn kể lể về dòng dõi vua chúa của gia đình và mình rất lấy làm phiền, tra rồi muốn tìm hiểu về cội nguồn thì song thân người đã cưỡi hạc ngao du, người còn lại thì nhớ nhớ quên quên, nỏ biết hỏi ai.  

Thôi thì biết chi viết nấy, nhân ngày huý kỵ của TiênVương Nguyễn Hoàng, 20/7/1963 - 20/72023.


"Từ độ mang gươm đi mở cõi" (*) mượn thơ Huỳnh Văn Nghệ

...

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long

Ai nhớ Người chăng?  Ôi Nguyễn Hoàng

Mà ta con cháu mấy đời hoang

Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ

Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.

...


Maryland 7/2023

tnpthảo




Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận