Cổ phục Nguyễn Triều - Áo Nhật Bình


Áo Nhật Bình là kiểu áo Đối khâm tứ thân khoác ngoài áo ngũ thân lập lĩnh tay chẽn.  Áo có cổ hình chữ nhật to bản, chạy dọc từ cổ đến ngực. Cổ áo được thêu cầu kỳ tinh xảo đi kèm với phụ kiện là chiếc cúc áo được làm bằng ngọc hoặc vàng. Phía dưới cổ áo có 2 dải dây được may thêm vào và buông xuống gọi là dải thùy lưu. 

Tên áo “Nhật Bình” bắt nguồn từ việc hoa văn trang trí trên áo tạo thành một hình chữ nhật lớn trước ngực. Trên thân áo, các đồ án hoa văn chính hình tròn khép kín chiếm diện tích lớn thường được thêu là phượng ổ, loan ổ. Bên cạnh đó, các hoa văn phụ với ý nghĩa cát tường, tốt lành như chữ thọ, chữ phúc, bát bửu, hoa dây, hoa lựu… được thêu dưới chân áo có hoa văn sóng nước (thủy ba). Các hoa văn này có sự sắp xếp và thay đổi tùy theo địa vị, danh phận của người mặc áo. Tương tự như bố cục hoa văn, tay áo một số người sẽ có dải màu tượng trưng cho ngũ hành: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ tượng trưng cho địa vị của người đó. Tuy nhiên, quy chế này không được áp dụng cho bậc Hoàng Hậu.

Ngay từ năm Gia Long thứ 6 (1807) triều đình nhà Nguyễn đã có quy định về việc sử dụng áo Nhật Bình trong nội cung. Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sử lệ thì áo Nhật Bình là triều phục (tức các dịp lễ lớn như sắc phong, các tiết Vạn thọ, tiết Thánh thọ, tiết Thiên thu v..v..) dành cho các bậc Nhất giai Phi, Nhị giai Phi, Tam giai Tần, Tứ giai Tần. Tùy theo màu sắc mà phân biệt phẩm trật khác nhau.  Đối với các bậc Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu/ Hoàng Quý phi và Công chúa thì sử dụng Phượng bào làm triều phục còn Nhật Bình được sử dụng như một loại thường phục.  Màu sắc cụ thể của áo Nhật Bình được quy định tương ứng với từng cấp bậc như sau vào năm 1807:

Hoàng hậu:
Mũ: 2 chiếc Cửu long kim ước phát, 1 cửu phượng kim ước phát, 8 trâm phượng bằng vàng.
Y phục: 1 áo bào Nhật Bình làm bằng sa sợi vàng thêu 20 hình rồng phượng, loan, trĩ, 1 thường may bằng tơ Bát ti trắng thêu rồng phượng
Công chúa:
Mũ: 1 Thất phượng Kim ước phát, 12 trâm hoa.
Y phục: 1 áo Nhật bình may bằng sa sợi đỏ, thêu phượng ổ.
Cung tần nhị giai:
Mũ: 1 chiếc Ngũ phượng Kim ước phát, 10 trâm hoa.
Y phục: 1 áo Nhật bình bằng sa màu xích đào thêu loan ổ, 1 thường làm bằng tơ Bát ti trắng thêu loan ổ.
Cung tần tam giai:
Mũ: 1 chiếc Tam phượng Kim ước phát 8 trâm hoa.
Y phục: Áo Nhật bình làm bằng sa màu tím chính sắc thêu phượng ổ, 1 thường làm bằng tơ Bát ti trắng thêu loan ổ.
Cung tần tứ giai:
Mũ: 1 chiếc Nhất Phượng kim ước, 8 trâm hoa.
Y phục: 1 áo Nhật bình bằng sa màu tím nhạt, 1 thường bằng tơ Bát ti trắng thêu loan.

Quy chế mũ mão đi kèm với trang phục Nhật Bình không cố định. Vào thời vua Gia Long, áo Nhật Bình đi kèm với mũ Kim ước (đến nay vẫn chưa xác định rõ hình dạng). Đến thời Thiệu Trị, Kim ước được thay bằng Kim phượng. Đến cuối thời Nguyễn, hình ảnh khá quen thuộc là các bà hoàng thời kì này mặc áo Nhật Bình và đầu vấn khăn vành dây.

Nam Phương Hoàng hậu với trang phục Nhật Bình 
tại các sự kiện Hoàng gia 



Hoàng hậu Nam Phương tại La Mã






Mỹ Lương Công chúa





Áo Nhật Bình của đức Từ Cung Đoan Huy hoàng thái hậu - vợ vua Khải Định, mẹ của vua Bảo Đại - được anh Nguyễn Thuận Hàng Cót, Hà Nội  mua  trong cuộc đấu giá ở Pháp. Sau hàng chục năm lưu lạc đất khách, chiếc áo hồi hương trong một ngày đầu tháng 11-2017.
Catalogue của nhà đấu giá giới thiệu chiếc áo của Đoan Huy hoàng thái hậu - Ảnh: CTV

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, tác giả sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn, cho rằng chiếc áo thuộc hàng thượng hạng trong nữ phục cung đình triều Nguyễn, là hiện vật quý hiếm, có giá trị nhất định đối với văn hóa lịch sử VN. Theo ông, chiếc áo có màu vàng chính sắc chỉ dành cho vua và hoàng thái hậu (hoặc thái hoàng thái hậu...).

Chiếc áo của hoàng thái hậu Đoan Huy bằng đoạn vàng chính sắc, thêu "viên phụng" (chim phượng hoàng - biểu tượng của phái nữ cao quý trong hoàng cung được thêu trong một hình tròn) và nhiều đồ án hoa lá.  Phần cổ là một dải hoa lá sang trọng, tuyệt đẹp; phần cuối vạt áo trước và sau đều thêu hoa văn sóng nước (thủy ba)...  Hai chữ "vạn" và "thọ" mang tính chúc tụng điều tốt đẹp thêu trên áo chứng tỏ chủ nhân là một bậc tôn quý trong hoàng cung.







Áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn có niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 
trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế do tập đoàn Sunshine hiến tặng.

Vào cuối tháng 10/2021, Tập đoàn Sunshine đã thực hiện đấu giá thành công trên sàn đấu giá Auctionet và trúng đấu giá hai cổ vật Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn  được xác định là cổ vật triều Nguyễn từ nhà đấu giá Balclis (Tây Ban Nha).
Áo Nhật Bình cung tần thêu họa tiết “Song loan hồi Thọ” (hai con chim loan quay về chữ Thọ) bằng chỉ ngũ sắc.  Phần chân áo có hoa văn thủy ba tam sơn và cá chép. Cổ áo thêu  năm con phụng cho thấy cấp bậc của chủ nhân chiếc áo ở hàng ngũ phẩm.  Phần đặc biệt để nhận định áo này là hiện vật gốc được thể hiện ở phần dây kim tuyến chạy quanh cổ áo.


Jun Phạm mặc áo Ngũ thân và 
Khả Ngân mặc trang phục áo Nhật Bình phục chế 
  
qua bộ ảnh mang tên “Hiệp Sắc Vân Thường” (màu sắc hòa hợp đẹp tựa mây) của Nguyên Phong Đoạn Lĩnh

Comments

Popular posts from this blog

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Echeveria Lilacina

Cô phàm viễn ảnh bích không tận