Quần thể kiến trúc Cố đô Huế

Trong gần 400 năm từ năm 1558 đến năm 1945, Huế là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất với 13 triều vua Nguyễn.

Được xây dựng là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất vào năm 1802 CN, Huế không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo dưới thời nhà Nguyễn, triều đại hoàng gia cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, từ năm 1802 đến 1945 CN.

Năm 1802 sau khi quy giang sơn về một mối và lên ngôi hoàng đế lập ra vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã cho xây dựng kinh đô tại Huế.  Quy hoạch của kinh đô Huế phù hợp với triết lý phương Đông cổ đại với núi Ngự bình làm tiền án, sông Hương làm minh đường và Cồn Hến và Cồn Dã Viên là hai triều án Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc của kiến trúc truyền thống Việt, tư tưởng triết lý phương Đông, cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng của kiến trúc quân sự phương Tây, hài hòa với các yếu tố tự nhiên: núi Ngự Bình, sông Hương, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh, cồn Hến …. Công cuộc xây dựng kinh đô kéo dài suốt từ triều vua Gia Long tới triều vua Minh Mạng với một loạt các kiến trúc phòng thủ,  cung  đình, tín ngưỡng, giáo dục, giải trí, lăng tẩm ... được đặt cẩn thận trong bối cảnh tự nhiên của khu vực và được sắp xếp theo vũ trụ học với Ngũ hành kim mộc thuỷ hoả thổ.

Vào năm 1945 khi Bảo Đại - vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn - thoái vị thì Huế trở thành Cố Đô. 

Nói đến cố đô Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung vàng điện ngọc, đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc...  Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được diện mạo của một kinh đô xưa, với hàng trăm công trình nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, vừa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc Huế…

Với 143 năm tồn tại Vương triều Nguyễn đã để lại cho hậu thế một di sản vô giá là quần thể kiến trúc tại Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993.  

Quần thể kiến trúc Cố đô Huế gồm nhiều công trình kiến trúc toạ lạc cả trong và ngoài kinh thành Huế, ngày nay thuộc phạm vi thành phố Huế và các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.  Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của sông Hương chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của Vương triều Nguyễn vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian.  Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba vòng thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.  

Kinh thành là vòng thành ngoài cùng có chức năng phòng thủ với 10 của ra vào chính trên có vọng lâu.  Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với 4 cổng ra vào, là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn.  Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử cấm thành - nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia.  Xuyên suốt cả ba tòa thành, trục đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan trọng  nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung...  Hai bên đường Thần đạo là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.

Về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương là lăng tẩm của các vua Nguyễn.

Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với chế độ quân chủ nhà Nguyễn, cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục.

Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, lại từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch.

Sơ lược về các kiến trúc của Quần thể di tích Cố đô Huế:

1. Phu Văn Lâu

2. Nghênh Lương Đình

3. Kinh Thành:  là vòng thành ngoài cùng với 10 cửa ra ngoài phía trên có vọng lâu, 1 cửa vô Trấn Bình Thành và 2 thuỷ quan, mặt trước có Kỳ đài.  Bên trong kinh thành là :

  3a. Quốc Tử Giám

   3b. Cửu vị thần công

   3c. Hoàng Thành: là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành, 4 mặt thành có 4 cửa ra vào với Ngọ môn là cửa chính.

         * Điện Thái Hòa

       * Tử Cấm Thành: là vòng thành trong cùng là nơi sinh hoạt của   hoàng gia.  Đại Cung Môn là cổng chính.  Các cung, điện lầu các bên trong Tử Cấm Thành gồm:

          . Điện Cần Chánh

          . Tả Vu Hữu Vu

          . Điện Càn Thành

          . Cung Khôn Thái

          . Điện Kiến Trung

          . Thái Bình Lâu

          . Nhật Thành Lâu

          . Duyệt Thị Đường

    3e. Hiển Lâm Các

   3f. Cửu Đỉnh

  3g. Thế Tổ Miếu

   3h. Hưng Tổ Miếu

   3i. Điện Phụng Tiên

   3g. Cung Diên Thọ

   3k. Cung Trường Sanh

   3l. Thái Tổ Miếu

   3m. Triệu Tổ Miếu

   3n. Lầu Tứ Phương Vô Sự

   3o. Điện Long An

   3p. Đình Phú Xuân

   3s. Hồ Tịnh Tâm

   3t. Tàng Thư Lâu

   3u. Viện Cơ Mật – Tam Tòa

   3v. Đàn Xã Tắc

 4. Tòa Thương Bạc

 5. Cung An Định

 6. Trấn Bình Đài

 7. Văn Miếu 

 8. Võ Miếu 

 9. Đàn Nam Giao

10. Hổ Quyền

11. Điện Voi Ré

12. Điện Hòn chén

13. Chùa Thiên Mụ

14. Lăng tẩm: 

  Lăng Gia Long

  Lăng Minh Mạng

  Lăng Thiệu Trị

  Lăng Tự Đức

  Lăng Đồng Khánh

  Lăng Dục Đức

  Lăng Khải Định

15. Trấn Hải Thành

Yêu thích di tích, đền đài, lăng tẩm, cổ vật ... nhớ ghé Huế chiêm ngưỡng vàng son một thuở.

TPThảo


Comments

Popular posts from this blog

Echeveria Lilacina

Phụng nữ ân cần biệt cố nhân

Cô phàm viễn ảnh bích không tận