điều kỳ lạ Giáng Sinh 1914
Ypres - Bỉ, từ sau buổi trà chiều trước Vọng lễ Giáng sinh tiếng súng hầu như im bặt trên cả hai chiến tuyến rồi lính Đức bắt đầu thắp đèn sáp trên chiến hào và hát những bài hát mừng Giáng sinh. Quân Đồng minh cũng đáp lại bằng cách hát những bài hát mừng của riêng họ.
Khởi đầu một giọng ca đơn độc cất lên từ chiến hào quân Đức “Stille Nacht, Heilige Nacht… " rồi một vài người, vài chục người và hàng trăm người cùng hát theo “Stille Nacht, Heilige Nacht... " Khi âm thanh cuối cùng chấm dứt, sau một phút yên lặng, từ chiến tuyến quân Đồng minh có tiếng vỗ tay cùng những tiếng hú vang lên “Good, old Fritz” và “Encore, encore” hoặc “More, more”. Rồi quân lính Anh, Pháp, Bỉ cũng hát "Silent night, holy night..."", ""Douce nuit, sainte nuit! Dans les cieux ! L'astre luit..." (Đêm thánh vô cùng, đêm thánh thanh bình ... ) rồi sau đó là ""For aud lang syne, my dear, for aud lang syne..."‘O Come, All Ye Faithful". Rồi bắt đầu có những lời chúc mừng Giáng sinh từ bên quân Đức qua bên kia chiến tuyến và quân Đồng minh cũng rất nhiệt tình đáp trả. Cứ như vậy, suốt đêm, từ những chiến hào lầy lội tuyết đầy máu và khói súng, quân lính hai bên ca hát những bài Giáng Sinh bằng ngôn ngữ của mình và gởi nhau những lời chúc mừng bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Flemish (tiếng Hà Lan của người Bỉ). Nhiều người lính Đức đã la lên:‘Tomorrow you no shoot, we no shoot.’ "Nếu mai các anh không bắn, chúng tôi cũng không bắn"... Có lẽ đây chính là màn "chiến đấu" dễ chịu nhất trong lịch sử loài người khi quân lính từ hai chiến tuyến "giao tranh" bằng một bài hát và lời chúc mừng với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Khi ánh bình minh ló dạng, ở một số nơi dọc theo Mặt trận phía Tây nhiều lính Đức trèo ra khỏi chiến hào, tay không vũ khí tiến vào khu vực giao tranh giữa hai chiến tuyến, tiếp cận phòng tuyến của quân Đồng minh và hô vang “Giáng sinh vui vẻ” bằng tiếng mẹ đẻ của kẻ thù. Những người lính Đồng minh cũng bước ra ngoài chiến hào và bắt tay lính Đức. Súng vẫn không nổ và những người lính hai bên đã trao nhau rượu, thuốc lá, xì gà, xúc xích, mũ, khăn quàng và cả nút áo. Cả hai bên cùng nhau chôn cất những người đồng đội đã chết một cách trang nghiêm, thi thể của họ đã nằm hàng tuần ở vùng giao tranh "no man land" - vùng đất giữa các chiến hào đối lập.
Tại Plugstreet - St-Yvon (Bỉ) quân Đức và quân Anh đã cùng nhau đá một trận banh ngay trên chiến trường đầy bùn lầy, tuyết, kẽm gai và cả máu. Tỷ số 3-2 cho quân Đức. (Trận derby đầu tiên giữa Primier Leage và Bundesliga?). Về sau, một cây thánh giá tưởng niệm bằng gỗ đơn giản được dựng lên ở cánh đồng bên ngoài Ploegsteert Wood, nơi binh lính Anh và Đức đá banh trong thời gian đình chiến ngày Giáng sinh trong Thế chiến thứ nhất năm 1914. Hình ảnh những người lính cùng nhau đá banh vào ngày Giáng sinh với đối phương mà hôm trước còn bắn giết nhau và ngày hôm sau cũng vẫn muốn giết nhau, đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp và ám ảnh nhất của cuộc Đại chiến.
Vượt qua giới hạn bạn và thù, những người lính từ hai chiến tuyến trong Đệ nhất Thế chiến với khát vọng hoà bình từ sâu thẳm trái tim đã ngồi lại với nhau chia sẻ những phút giây hưu chiến hiếm hoi. Những ngày sau đó hai bên lại tiếp tục bắn giết nhau cho tới khi cuộc chiến kết thúc năm 1918. Cuộc chiến vô nghĩa đã cướp đi sinh mạng của hơn 10 triệu binh sĩ và 10 triệu thường dân cùng với 21 triệu người với thương tật vĩnh viễn.
Dù cả thế kỷ đã trôi qua, cuộc hưu chiến kỳ lạ trong Đệ nhất Thế chiến vẫn được ghi nhớ như một minh chứng cho khát vọng hoà bình và lòng nhân đạo trong những thời khắc đen tối của lịch sử loài người.
Năm 2005, cuộc hưu chiến Giáng sinh 1994 được dựng thành phim Joyeux Noël do Christian Carion viết kịch bản và đạo diễn.
Ước mong lại có phép lạ trên chiến trường Russia - Ukraina và Israel - Palestine cho mùa Giáng sinh năm nay. Nhưng có lẽ "Đời không như ước mơ ... "
Comments