Giao thừa ở Nơi Thế Giới giao nhau
Mỗi năm vào đêm Giao Thừa Dương Lịch, hàng triệu đôi mắt từ khắp nơi trên thế giới đổ dồn về Trái Cầu Pha Lê lấp lánh ở Quảng Trường Thời Đại (Times Square) thành phố Nữu Ước (New York). Hàng ngàn người từ khắp nơi dồn về đây - Mỹ có, Tâu có và cả Việt cũng có - đứng sát bên nhau, tay trong tay cùng ca vang khúc ca giao thừa nổi tiếng nhất mọi thời đại - Auld Lang Syne.
Vào năm 1904 lễ đón Giao thừa lần đầu tiên tại Quảng Trường Thời Đại đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của Nơi Thế giới gặp nhau (The Crossroads of the World). Nhưng phải tới năm 1907 thì Trái Cầu mới lần đầu tiên xuất hiện trên đỉnh cột cờ của toà nhà One Times Square rồi từ đó Cầu Pha lê được hạ xuống hàng năm trong đêm Giao thừa.
Vào năm 1942 và 1943 nghi thức này bị bãi bỏ khi thành phố để đèn mờ trong Đệ nhị Thế chiến. Những đám đông vẫn tụ tập quanh Quảng trường Thời Đại chào đón Năm Mới bằng một phút yên lặng trước khi tiếng chuông nhà thờ vang lên lúc 12 giờ.
Ngày nay, đêm Giao thừa ở Quảng trường Thời Đại đã trở thành một sự kiện của toàn cầu. Mỗi năm, hàng trăm ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây và chờ đợi hàng giờ trong cái lạnh tê tái của mùa đông để cùng nhau đếm ngược những giây cuối cùng của năm khi Cầu Pha lê trượt xuống "tung vang cái cũ, rung lên cái mới". Với sự ra đời của mạng kết nối toàn cầu, hàng năm, ước tính có khoảng một tỷ người theo dõi lễ Giao thừa tại Quảng trường Thời Đại qua màn ảnh nhỏ. Nghi thức hạ Cầu Pha lê đã trở thành biểu tượng chào đón Năm Mới của thế giới.
Giờ này ở New York thiên hạ đổ ra Times Square chuẩn bị coi Cầu Pha lê rơi thì ở tiểu bang Maryland của mình nhiều gia đình cũng đang chuẩn bị chạy về Easton cũng coi 'drop' nhưng là 'crab drop' một con cua xanh hấp chín đỏ.
Tiểu bang Maryland của mình thì không có tiền làm Cầu Pha lê nên chi người ta làm một con cua bằng nhôm hay thiếc gì đó rồi nửa đêm Giao thừa cũng cho cua trượt xuống chào đón Năm Mới tại thành phố Easton. Cua Maryland (Maryland Crab) thường được gọi là cua xanh (Blue crab), hơi giống giống con ghẹ của mình, là đặc sản và cũng là biểu tượng của tiểu bang, sinh sống rất nhiều ở vịnh Chesapeake.
Comments